Khi đàn ông vắng mặt
Em không biết phải tả bố em như thế nào.
Câu nói của Mai Phương, một cô gái 26 tuổi, không phải là lời than trách. Nó trống rỗng, ngắn ngủi và nặng nề. Trong một sự kiện sách nhân ngày 20/10 – một ngày dành riêng để tôn vinh tình yêu của mẹ – cô được yêu cầu nhắm mắt và miêu tả bố mình bằng vài từ cảm nhận. Tôi hỏi cô câu ấy vì hôm đó toàn bộ khán phòng là nữ, không một gương mặt đàn ông. "Chẳng nhẽ em lại nói ra những từ đầu tiên xuất hiện như ghê gớm, bạo lực, khổ, thất bại, lạnh lùng?" Phương kể lại, giọng pha chút chua chát, như tự giễu. Không có vẻ gì là buồn cười trong khán phòng, dù câu nói của cô có lẽ là một lời châm biếm cay đắng.
Mai Phương không phải cá biệt. Khi được nhắm mắt để tả về mẹ, mọi người miêu tả dễ dàng: mùi hương, nụ cười, thói quen, cả những lần mẹ nổi cáu. Nhưng khi nhắc đến cha, những từ ngữ hiện ra thường lờ mờ, tiêu cực, thậm chí là trống rỗng. Những người cha – hay nói rộng hơn, những người đàn ông – đang dần biến mất khỏi ký ức. Không phải vì họ không tồn tại, mà bởi sự hiện diện của họ quá mờ nhạt.
Họ thật sự tan đi
Nhưng không chỉ trong ký ức, họ còn đang biến mất từ từ khỏi đời thực. Một báo cáo từ Hiệp hội Tâm lý học Australia năm 2017 chỉ ra rằng, đàn ông từ 25 đến 60 tuổi chết vì tự tử nhiều hơn vì tai nạn giao thông, rượu bia, hay thậm chí là ung thư. 76% người tự tử là nam giới. 70% nạn nhân giết người là nam giới. 64% án tù của họ dài hơn phụ nữ với cùng tội danh.
Họ không lên tiếng, không tìm kiếm sự giúp đỡ. Họ gục ngã một cách âm thầm, rồi mất đi mà chẳng ai nhận ra. Bạn bè tôi, không ít người đã chọn con đường ấy. Một người sau khi ly hôn, một người khác sau khi phá sản, một người nữa ra đi không hề có tín hiệu nào báo trước. Không phải họ không cố gắng. Họ đã thử tìm quên bằng rượu, cờ bạc, thậm chí bằng những thú vui nguy hiểm. Nhưng những vòng xoáy ấy chỉ kéo họ xuống sâu hơn. Cuối cùng, họ im lặng dần, rồi tắt lịm, đầu tiên là ít nói với người thân, rồi nói rất nhiều trên mạng để không ai nghe, rồi ít nói dần trên mạng, rồi tắt lịm.
Không chốn nương thân cho đàn ông thất bại
Đàn ông đôi khi gục ngã, nhưng khi họ vấp ngã, không có ai chìa tay kéo họ lên. Không hội đoàn nào, không ngày lễ nào dành cho họ. Chúng ta có Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên, thậm chí cả Hội Sợ Vợ hàng trăm chi hội– nơi đàn ông làm trò cười cho xã hội. Nhưng Hội Đàn ông? Không có. Hội sợ chồng? Cũng không có nốt. À, họ có chiếc toilet.
Ngày Quốc tế Nam giới (19/11), nếu có ai biết đến, lại trùng với Ngày Toilet thế giới. Nhiều khảo sát trên thế giới đã chỉ ra, đàn ông thường dành nhiều thời gian trong toilet hơn phụ nữ. Một nghiên cứu năm 2020 của UKBathrooms cho thấy, trung bình một người đàn ông dành 7 giờ mỗi năm trong toilet chỉ để… ngồi và suy ngẫm. Đáng chú ý, 1/3 đàn ông tham gia khảo sát thừa nhận rằng, họ cố tình dành thêm thời gian trong đó để tránh bị làm phiền bởi gia đình hoặc công việc. Nghiên cứu của QS Supplies (2019) chỉ ra rằng 14% đàn ông ở Anh coi toilet là nơi trú ẩn cuối cùng khi họ cảm thấy stress. Trên mạng xã hội Reddit, có cả diễn đàn với hàng ngàn thành viên chia sẻ về "toilet therapy" – nơi họ đọc sách, xem điện thoại, thậm chí… ngồi đó mà chẳng làm gì cả.
Nhưng nếu một không gian nhỏ hẹp, lạnh lẽo như toilet lại trở thành liệu pháp cô độc phổ biến, thì câu hỏi cần đặt ra là: Tại sao ngoài toilet, không còn nơi nào khác dành cho họ?
Truyền thông cố tình lãng quên đàn ông
Truyền thông đâu chỉ lãng quên họ. Nó còn bóp méo hình ảnh của họ. Trong 100 quảng cáo năm 2021, người đàn ông chỉ được khắc họa theo hai kiểu: hoặc là chủ doanh nghiệp thành đạt, hoặc là người đàn ông trung niên bất lực với những vấn đề sức khỏe. Hoặc siêu anh hùng hoặc cội nguồn thất bại. Phim ảnh cũng chẳng khá hơn. Trong 18 bộ phim truyền hình ăn khách từ 2018 đến 2023, người cha hoặc là gia trưởng, độc đoán, hoặc là bất lực, vô trách nhiệm, chỉ để lại những rắc rối cho phụ nữ giải quyết. Hãy thử lắng tìm kiếm các thảo luận về "Đồng Ang" Việt Nam trên mạng xã hội để xem họ đã méo mó thế nào trong mắt công chúng và giới trẻ.
Khi có chuyện, đàn ông đứng cuối. Phụ nữ, trẻ em, người già, thậm chí chó mèo, đều trước họ.
Đàn ông không được ưu tiên. Họ là người đẩy thuyền, không phải người lên thuyền.
Trong gia đình, họ là cái bóng. Trong xã hội, họ là trụ cột vô hình.
Khi thành công, đó là nghĩa vụ. Khi thất bại, đó là bản chất của loài.
Đàn ông không được khóc.
Nếu khóc, họ bị cười.
Ngay cả những chuyện lẽ ra nên là câu chuyện chung – như đánh ghen – cũng thường bị truyền thông biến thành cuộc chiến giữa hai người phụ nữ.
Hình ảnh người chồng? Hiếm thấy hoặc nhàn nhạt.
Họ không chỉ bị truyền thông lãng quên, họ còn bị biến thành vấn đề.
Bạn biết vì sao không? Vì hầu hết người đưa ra các quyết định mua hàng là phụ nữ.
Thời nay là thời của fuba, không phải thời của fu-ong.
Những gương mặt mờ
Từ hội thảo sách, đến các lớp học, đến những diễn đàn trực tuyến, theo quan sát của tôi, đàn ông dường như không còn xuất hiện. Ngay cả khi có mặt, họ thường cố gắng lên tiếng để rồi bị coi thường, hoặc im lặng. Sự hiện diện của họ nhạt nhòa, như những bóng ma. Họ không biết mình nên làm gì, phải làm gì. Họ không được dạy cách yêu thương, cách chăm sóc, cách đối diện với thất bại. Những kỹ năng ấy không được cha họ truyền lại, không được coi trọng. Thậm chí, những cột mốc đời họ cũng chỉ là những dấu gạch đầu dòng: Cưới vợ, giỗ cha, làm nhà, tậu trâu. Sau đó thì sao? Không ai dạy họ cách sống tiếp. Và rồi, thế hệ tiếp theo cũng chẳng biết phải học điều gì từ cha mình.
Những người đàn ông ấy, khi thất bại, chỉ còn bốn nơi để tìm đến bên cạnh chui vào toilet:
Gaming: Trốn chạy thực tại, lạc lối trong thế giới ảo.
Gambling: Cảm giác "về nhà" nơi nhà cái đến từ châu âu.
Girls: Dùng tiền mua sự công nhận từ phụ nữ trẻ.
Government news: Bốc phét địa chính trị trên vỉa hè và mạng xã hội, nơi không ai buồn phán xét.
Đàn ông Việt đang biến mất lặng lẽ, khỏi gia đình, khỏi xã hội, khỏi ký ức của chính những người yêu thương họ. Làm gì có ai muốn tiêu biến, làm gì có ai muốn mờ nhạt dần trong tâm trí của người mình yêu thương.
Tôi nhớ khi Ronaldo (Brazil) trẻ, anh ấy được gọi là người ngoài hành tinh.
Giờ thì họ gọi anh ấy là Ronaldo béo.
Đàn ông đã biến mất từ lúc nào?
Và tại sao, không ai để ý?
Có lẽ từ lúc họ béo già.
Vì béo già thì sẽ có giá bèo.